HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(0296) 3956002 -(0296) 3956440

Tin du lịch

Núi Tà lơn bokor campuchia huyền bí

Thứ sáu, 14/09/2012, 08:05 GMT+7

Có nhiều người trên 70 tuổi chỉ ước ao một lần lên núi Tà Lơn chết cũng thỏa nhưng họ đã không thể lên được, vả lại nếu có lên núi thì ngày 29 âm lịch họ mới cho lên với lý do mang đồ lên chùa trên núi, còn hôm nay mới là ngày 27, quĩ thời gian chúng tôi không có nhiều... Với tôi, tôi chỉ biết đây là một núi đầy huyền linh, nơi Ngài Cử Đa đệ tử của Phật Thầy Tây An tu và đắc đạo Tiên ở đây.

Chúng tôi rời nhà lúc 6 giờ sáng ngày 28/4 thẳng tiến về tỉnh Cambode, ghé chợ mua bông, trái cây và đi “hú họa” trong kiên quyết. Xe dừng lại trước cổng đường lên núi, tôi ngồi phía trước cầm bông để tỏ vẻ cho thấy đoàn lên chùa cúng Phật. Sau một hồi lâu Na nói chuyện với những người gác cửa chúng tôi được phép lên núi phải trải qua 30km xe chúng tôi mới đến được chùa Nam Thiền. Chúng tôi diện kiến ông Lục, chủ trì chùa, người Việt nam duy nhất tu ở chùa này. Mây mù tỏa hơi lành lạnh, rồi những giọt mưa sớm của mùa mưa năm nay khiến chúng tôi liên tưởng đến Đà Lạt quê nhà. Sau bữa cơm trưa cháu Minh (tu sĩ chùa Phước Điền An Giang) đề cập đến việc lội bộ đi tiếp.
 
Tôi không hiểu là đi đâu nhưng cứ nghe loáng thoáng là xuyên rừng khoảng 60 km cả đi lẫn về là nhụt chí quyết định không đi. Ý tôi lúc đó cũng giống bốn người đoàn thành phố (cô Diệu, chị Bình, chị Bích, Thúy).
 
Để khuyến khích mọi người không sợ khó, sợ khổ Minh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có người đi rừng bị lạc nhưng gặp được ông già cho trái cây, thức ăn, chỉ lối ra nhưng đến khi gặp lại mọi người tất cả đều xác nhận ở đó chỉ toàn là cây. Tôi vẫn quyết định ở lại, và cứ nghĩ mọi người đã ra đi với một cái xoong, mấy ổ bánh mì, vài gói mì ăn liền và yên trí đi rửa chén. Một cảm giác nuối tiếc vụt lên trong tôi, nhưng rất may Minh đã quay lại và bảo chưa đi.
 
Nắm cơ hội xuýt bị vuột, tôi quyết định đi và chỉ kịp chạy lên nhà nghỉ báo với mọi người cùng đoàn, mang theo một bộ đồ, chiếc mền xỏ vào đôi dép có quai hậu mà chị Bích đổi cho. Tốp xuyên rừng chúng tôi gồm tôi, cháu Minh, anh Hai (ba cháu Lãm tu ở chùa Phước Điền ngày xưa đã dẫn chúng tôi hành hương ở vùng Thất Sơn), và Thảo, Thái một cặp uyên ương sắp cưới. Tôi đã không kịp hỏi Minh đi đâu chỉ nghĩ là đến một ngôi chùa nào đó trong rừng nên cắm cổ đi. Chúng tôi lầm lũi đi trong sương mù, rồi mưa bắt đầu rơi mỗi lúc một nặng hạt. Khung cảnh trước mắt chúng tôi hiện ra mỗi lúc một đẹp.
 
Cháu Minh cho tôi biết đây là Lan Thiên. Chỉ có thể là một nhà văn giỏi mới có thể tả hết được cảnh đẹp ở đây. Rất tiếc tôi là một người dở văn chương nên chỉ có thể “chép” lại bức tranh thần tiên này bằng ngôn ngữ sơ sài mong bạn đọc thông cảm. Thật vậy, đó là một “bình nguyên” đá bằng phẳng màu đen có, bảy màu có, có rất nhiều những tảng đá to nặng hàng tấn hình con cá sấu, chim, trâu, qui, rồng… tha hồ cho tâm mơ của bạn vẽ thú trong một rừng cây kiểng các loại, chả thế mà Ngài Cử Đa trước kia có để lại trong cuốn “giảng Tà Lơn” của mình là:
 
“LAN THIÊN một kiểng chép chơi.
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng:
Hiu hiu gió thổi đùng đùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai,
Mùa xuân tới kiểng lầu đài,
Tháng giêng mùng chín thi tài hùng anh,
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cảnh hữu danh tư bề”.
 
Vâng, những bước chân cao thấp của tôi dưới mưa, thình thịch trên cát trắng và đá màu khiến tôi ít có thời gian ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh nhưng mỗi lần nhìn lên tôi thấy mình quá nhỏ nhoi, quá yếu đuối trước thiên nhiên lớn lao, núi rừng hùng vĩ. Đã có lúc tôi nghĩ đến đường xa mà hối hận cho quyết định của mình nhưng rồi tiến thoái lưỡng nan, đành phải chú tâm vào mỗi bước chân của mình với ý nghĩ cứ đi rồi sẽ đến. Lan Thiên cái tên gọi làm cho người ta thoáng nghĩ đến hoa lan hay phong lan của cõi tiên. Cây cảnh trên này rất nhiều đặc biệt là cây có hai loại lá gọi là bá tùng (lá của hai cây bách và tùng trên một cây), mai trắng, mai hồng năm cánh, cánh hoa mai rất dày, có lẽ mùa này lan rừng ít trổ bông nhưng tôi cũng hái được một bó bông địa lan màu hồng cánh sen định bụng tới nơi dâng cúng Thầy Mẹ.
Về điểm lạ, quí của cây kiểng bá tùng người ta có câu ví von:
 
“Người tu như thể bá tùng,
Ai ai cũng quí cũng trông cũng nhìn”
Tôi, các bạn hẳn chúng ta ai cũng muốn như cây bá tùng, từ cái nhị nguyên của hai loại là tùng, bách hợp nhất trở về nhất nguyên của một cây dũng mãnh trước phong ba bão táp có đúng không?
 
Minh hái cho tôi một bông hoa màu vàng từ một chùm dây bò như dây khoai lang, có đuôi phía dưới như đuôi hoa loa kèn, đầu nó giống như đầu dương vật thường được gọi là trái nước, bảo tôi bật nắp hoa ra uống nước trong đó và giải thích thêm cho tôi biết xưa kia Tổ Thầy đi rừng dùng loại nước từ hoa này để giải khát và tăng thêm sức lực, nó là kết tinh của sương và chỉ nên dùng những bông hoa chưa bị bật nắp, cây có tác dụng giải độc gan vì thế khi trở về chúng tôi đã hái một ít mang về nhà nấu nước dùng thử.
 
Chúng tôi dừng lại chùa Bình Thiên (nay đã bị tàn phá chỉ còn lại dấu tích cái mái) dâng những bông hoa lan hồng đẹp nhất thế gian lên Tổ Thầy và ước nguyện tinh tấn tiếp bước theo chân các Vị Tiền Bối.
 
Mưa vẫn rơi, cái túi đằng sau tôi thực sự làm phiền tôi, nó trở nên quá nặng và thít chặt vào hai vai làm tôi phát nghẹt thở nên đành gửi lại cho cháu Minh mang giúp. Minh phát hiện một con rùa trước mặt nói với tôi và lẩm bẩm nếu trước lúc đi mà thấy con rùa này thì sẽ ở lại, còn tôi thì cho rằng đoàn đang được một trong tứ linh đón đường chào mừng. Đi được một quãng lại thấy một con cá to tung tăng lội trong nước tôi cảm nhận mọi thứ sẽ suông sẻ. Ở Bình Thiên chúng tôi phải băng qua hai con suối trong đó tôi đã suýt bị một con suối nước lớn cuốn trôi may mà có ba người nam giới kéo lên. Chắc bạn cũng muốn biết lúc đó cảm giác của tôi như thế nào? Chả là tôi không biết bơi nên khi bước xuống nước lạnh sâu ngập tới bụng tôi có cảm giác như bị ngợp nhưng rồi ý chí mạnh mẽ khiến tôi hết sợ, ngay cả lúc bị trôi tôi vẫn bình tĩnh nghĩ rằng sẽ vượt qua được hiểm nguy: người đi hành hương bao giờ cũng có Trời Phật độ, tôi có quá Mớ (“hợm hĩnh”) không?
 
Chúng tôi lần lượt dừng lại kỉnh lễ nơi Cổng Bàng Ngự (hai cột đá có hình như cái trụ), dừng chân quan sát Ruộng Năm Dây (những hòn đá màu đen to ước nặng hàng tấn ở đây có hình như chiếc bánh xu, xếp thành năm hàng, khi Đức Thầy – Đức Huỳnh Giáo Chủ đi ngang đây đã đặt cho nó cái tên là đàn năm dây), băng theo đường mòn trong rừng và dừng chân ở Tứ Giao Điện (nơi ông Cả – Thân sinh của Đức Huỳnh Giáo Chủ tu tập và NGỘ đạo) lúc 17g30. Tứ Giao Điện là một tảng đá tự nhiên rất lớn bằng phẳng được chống bởi các hòn đá tự nhiên khác tạo thành một cái động đá có 4 cửa ra vào. Tôi thật ngỡ ngàng vì cứ tưởng mình phải được tới một cái chùa nào đó có mái che và thú thật có phần hơi thất vọng vì công sức chuyến đi của mình. Chúng tôi làm lễ cúng các Vị Tổ Thầy và giăng chiếc bạt bằng ni lon trên một tảng đá lớn ngủ qua đêm. Hơn năm tiếng đồng hồ dầm mưa trèo đèo lội suối băng rừng hơn hai mươi cây số ai nấy đều ướt mèm nhưng thật may tôi còn được một bộ đồ mang theo còn khô và tấm mền hơi ẩm. Tôi cảm thấy thật sự khỏe mạnh tỉnh táo lạ thường ngoại trừ ống quyển bị sưng trầy do thụt hố vì trời mưa nhưng không có cảm giác bị đau đớn (?) Thái bị lạnh và sốt nên li bì suốt đêm sáng mới khỏe lại, còn anh Hai cũng thấm lạnh phải thoa kem mới chịu nổi, cháu Minh thường dẫn các đoàn lên đây nên không hề hấn gì, còn tôi không ngủ suốt đêm tha hồ nghe tiếng những con ve sầu rền rĩ và tiếng nước suối ầm ì quanh đây vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi nằm ngủ trong rừng sâu dưới trời mưa lạnh. Trong đoàn chỉ có Thảo nằm ngủ với bộ đồ ướt một cách ngon lành và có cảm giác là được ngủ trong nhà có mái che ấm cúng, nghe tiếng ông già và ai đó nói lao xao nhưng không rõ mặt. Sáng hôm sau chúng tôi lạy các Vị Tổ Thầy, dời gót khi trời còn nhập nhoạng. Dọc đường về chúng tôi ghé thăm hồ sen bằng đá (nói là hồ chứ thật ra là cả thiên bàn đá xanh đen hay xanh xám hình lá sen to như những chiếc bàn dài khoảng một thước, rộng 4 hay 5 tấc đặt trên ao – “sàn đá”), Minh còn chỉ cho chúng tôi những hạt sen bằng đá. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến chín phẩm Sen Vàng biểu tượng cho Tây Phương Cực Lạc Quốc Độ và mơ màng nghĩ đến khi Đại Hội Long Hoa mở Mơ MINH MẪN cho tất cả chúng sinh ai là người có vinh hạnh được dự và chiêm ngưỡng nó? Làm thế nào để nó luôn ở trong TÂM mơ của mỗi chúng ta?
 
Tôi tiếp tục ngắt những bông hoa địa lan với tâm nguyện thay người mẹ đang ốm yếu vì bệnh tật, già nua, thay cửu huyền thất tổ nội ngoại dâng lên Thầy Mẹ cầu xin cho họ được khỏe mạnh, an lạc, gia đạo gặp mọi điều tốt lành. Cháu Minh đi nhanh quá, nhưng tôi cũng phải cố gắng để không thể rớt lại sau nó nhiều vì phải chú tâm vào việc tìm hoa trên đường đi. Lạ thay những bước chân tôi như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn, tôi quên cả mệt mặc dù phải cúi xuống rất nhiều để hái hoa. Tôi đã có trong tay một bó hoa nào địa lan màu hồng cánh sen, nào lan rừng màu vàng trắng, nào những cành bá tùng, nào là… hoa gì ấy hay cỏ dại có hoa màu trắng mà tôi không biết tên gọi của nó để dâng Phật rồi. Đường về không mưa nhưng nước trong khe núi vẫn chảy đều, chúng tôi vẫn phải dầm chân trong nước lạnh, vấy cát, đá. Còn khoảng 10 km nữa là về đến chùa Nam Thiền nhưng may sao chúng tôi gặp chiếc xe ben chở đất và được người tài xế tốt bụng cho quá giang. Tôi thở phào nhẹ nhõm, xúc động thầm cảm ơn Thầy Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng, các Sơn Thần đã nương cho đôi chân chúng con theo dấu các Vị Tổ Thầy, đi tới nơi về tới chốn an toàn.
 
Sân chùa hôm nay chật ních xe hơi vì là ngày cúng nên các phật tử tụ họp về đây. Tôi dâng bó bông đa sắc, thật đẹp ấy lên Ngôi Tam Bảo. Cái dư âm của Lan Thiên, Bình Thiên, Tứ Giao Điện gây ấn tượng quá mạnh trong tâm trí tôi. LAN là gì bạn nhỉ có phải là HOA ĐA SẮC? LONG HOA? Hoa MƠ ngày nào năm xưa rời núi Dài tôi chưa kịp hái dâng Mẹ? Hoa Tình Thương? Hoa của ngày mừng gặp Mẹ Cha? THIÊN có thể là là…Tiên Cảnh của Thế Giới Đại Đồng? Của Tây Phương Cực Lạc Quốc Độ? là là…MUÔN HOA ĐUA NỞ KHOE SẮC MÀU? Là ngày mùng (vô minh) mở mingh mẫn sáng suốt đến?
 
Du lịch đến Bokor có lẽ là tour phổ biến nhất tại Kampot. Bokor Hill Station trên Phnom Bokor (núi Bokor) là một quần thể các tòa nhà kiến trúc thời Pháp trên đỉnh núi gồm khách sạn, sòng bạc, nhà thờ, dinh thự hoàng gia... xây dựng vào đầu những năm 1920. Trong thập niên 1990, người ta đã ví Bokor như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó.
 
Bokor vào thời thịnh vượng đã từng là nơi nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và du khách nước ngoài ở Đông Dương. Đó là một khu nghỉ dưỡng trên đồi với khí hậu ôn hòa tránh cái nóng nhiệt đới. Nơi đây bị bỏ hoang nhiều năm nên đã bị đổ nát nghiêm trọng. Tuy nhiên, du khách có thể ngắm quang cảnh hùng vĩ của bãi biển và hưởng thụ không khí mát mẻ. Núi Bokor được bao phủ bởi rừng rậm và bạn có thể tham gia các chuyến khám phá rừng. Nhiều du khách từng thấy các chú voi và thú hoang dã. Hiện chính quyền điạ phương đang có kế hoạch phục hồi lại khu du lịch này.
 
...Trạm Bokor Hill nằm trên đỉnh môt ngọn núi cao hơn 914m tại Phnom Bokor. Nó được xây dựng tại đây bởi khí hậu trong lành dễ chịu và có một tầm nhìn tuyệt vời xuống bãi biển, thác nước, rừng rậm và thiên nhiên hoang dã. Những gì còn sót lại tại “sào huyệt” của quân đội Pháp vào những năm 1920 là khách sạn, sòng bạc, nhà thờ, trạm cảnh sát, bưu điện...đã trở nên hoang phế, điêu tàn kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Hiện nay, sự điêu tàn hiện rõ lên trên những bức tường vôi vữa mục nát, cửa sổ vỡ tan, cầu thang đổ vụn và các bức tường gạch đổ nát. Người Khơ Me Đỏ đã lấy đi tất cả những đồ đạc có giá trị của những khu nhà này.
 
Đến những năm 1970, nó đã hoàn toàn bị bỏ hoang vì những quả mìn còn sót lại là một mối nguy hiểm lớn đến khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nay trạm Bokor Hill đã trở thành một địa điểm du lịch phổ biến nhất tại Kampot, Campuchia.
 
dienbatn muốn các bạn để ý đến một điều : Cách đây cả trăm năm , chính quyền Pháp đã xây dựng được những khu nghỉ mát thật tuyệt vời như : Bà Nà - Núi Chúa ( Đà Nẵng), Bạch Mã ( Huế ), Tam Đảo ( Vĩnh Phúc ), Ba Vì ( Hà tây ), Bokor ( Cam Pu Chia)....với phong cách xây dựng luôn thân thiện và tôn trọng môi trường. Để ý một cách bao quát hơn, hầu hết những nơi được chính quyền Pháp ở thuộc địa chọn làm nơi xây dựng công sở chính quyền của vùng , đều là những nơi đắc địa về mặt kiến trúc Phong thủy. Vậy : Người Pháp hơn 100 năm trước có nắm được nghệ thuật Phong thủy không ?
 Nguồn: http://dulichkhonggian.vn/tin-tuc-du-lich/nui-ta-lon-bokor-campuchia-huyen-bi/12582.html


Người viết : admin


Giới hạn tin theo ngày :   từ   đến